Dưới sự cai trị của Thụy Điển cho đến năm 1809 Đại vương công Phần Lan

Khoảng năm 1580, Johan III của Thụy Điển, người trước đó (1556 – 1563) là Công tước Phần Lan (một tước hiệu công tước hoàng gia), đã tự nâng tước hiệu của mình thành Đại vương công Phần Lan (tiếng Thụy Điển: Storfurste, tiếng Phần Lan: Suomen suuriruhtinas), đi kèm chung với các tước hiệu phụ khác của vua Thụy Điển. Theo các nhà nghiên cứu, mặc dù tước hiệu này đã được Johan III sử dụng lần đầu tiên vào năm 1577, nhưng nó chỉ thực sự xuất hiện lần đầu tiên trong các tài liệu ghi chép vào năm 1581.[1] Vào thời điểm đó, Johan đang có tranh chấp với người láng giềng phía đông của mình, Sa hoàng Ivan IV của Nga, người có một danh sách dài các tước vị phụ là Đại vương công của một số tỉnh và thành phố cổ đại của Nga. Việc sử dụng tước vị Đại vương công của Johan là một biện pháp đối phó để thể hiện vị thế hùng mạnh của ông với tư cách là nhà cai trị Thụy Điển, trên một lãnh thổ đa quốc gia và ngang bằng với một Sa hoàng. Không chỉ Phần Lan, mà các lãnh thổ Karelia, IngriaLivonia, tất cả đều nằm dọc theo biên giới Thụy Điển-Nga, cũng được thêm vào.

Trong suốt 140 năm sau đó, tước hiệu Đai vương công Phần Lan được sử dụng bởi những người kế vị của Johan trên ngai vàng Thụy Điển, ngoại trừ Karl IX, người đã liệt kê Phần Lan là một trong nhiều quốc gia mà ông là vua trong giai đoạn 1607–1611.[2] Vì tước hiệu chỉ có tính chất phụ mà không có bất kỳ ý nghĩa cụ thể nào, nó chủ yếu được sử dụng trong những dịp rất trang trọng cùng với một danh sách dài các tước hiệu hoàng gia bổ sung. Quốc vương Thụy Điển cuối cùng sử dụng tước hiệu này là Nữ vương Ulrika Eleonora, người đã thoái vị vào năm 1720. Tuy nhiên, vào năm 1802, Vua Gustav IV Adolf đã phong tước vị cho con trai mới sinh của mình, Hoàng tử Carl Gustaf, người đã qua đời ba năm sau đó.